Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

KẺ PHI NGHĨA SẼ BẠI TRẬN !

Thứ sáu, 13/1/2012, 19:15 GMT+7

'Đường lưỡi bò' gây phức tạp Biển Đông

Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam bình luận rằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc nêu ra là nguyên nhân gây căng thẳng phức tạp Biển Đông, và việc Trung Quốc đòi các nước phải xin phép để được khai thác dầu khí ở Biển Đông là vô lý.

Ngày 6/1/2012, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương trả lời trực tuyến mạng Tin tức Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Biển - Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo VnExpress.
Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Hưng
Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Hưng
- Trong bài phỏng vấn của mình, ông Dị Tiên Lương có nói: Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Trung Quốc đã thu hồi quần đảo “Tây Sa” (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa của Việt Nam) và “Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi Trường Sa của Việt Nam) từ tay quân Nhật. Vậy thưa ông, sự thật lịch sử là như thế nào?
- Tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 - một Hội nghị quốc tế quan trọng giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ II, đại diện của Chính phủ Việt Nam khi đó đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không có nước nào tham dự Hội nghị phản đối, trong khi Dự thảo Nghị quyết do Liên Xô đưa ra nhằm trao hai quần đảo này cho Trung Quốc đã bị 48/51 phiếu chống. Điều đó cho thấy, đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị bác bỏ; còn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được thừa nhận tại một hội nghị quốc tế quan trọng sau chiến tranh thế giới thứ II. Như vậy, ý kiến phát biểu nói trên của ông Dị Tiên Lương là hoàn toàn trái với thực tế lịch sử lúc bấy giờ.
- Ông Dị Tiên Lương nói rằng: Tháng 12/1947, Bộ Nội chính Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải”, vẽ “đường nét đứt” và đặt tên cho một số đảo đá, bãi v.v.... và chính thức công bố ra bên ngoài năm 1948 v.v... Đường nét đứt là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển liên quan của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa ra đường yêu sách theo đường đứt khúc 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) năm 2009 trên Biển Đông đã gây ra rất nhiều phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực và đã bị phê phán rất nhiều trong các cuộc hội thảo quốc tế. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?
- Cho tới trước năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách này. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử, vì được vẽ ra một cách tùy tiện, không có toạ độ của các điểm cụ thể và không được quốc tế công nhận. Năm 2009, Trung Quốc lần đầu chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò” ra Liên Hợp Quốc nhưng không có giải thích cụ thể. Ngay sau đó, Việt Nam, và tiếp đến là Indonesia, Philippines đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách phi lý đó của Trung Quốc. Tại các cuộc hội thảo quốc tế gần đây, rất nhiều học giả quốc tế như Pháp, Bỉ, Mỹ, Indonesia đã chỉ ra tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời, nhiều học giả còn nhấn mạnh rằng, chính yêu sách “đường lưỡi bò” là nguyên nhân gây ra những căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông. Cụ thể là:
- Yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia; vùng biển mà “đường lưỡi bò” bao trùm không thể là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc.
- Cho tới nay, các văn bản pháp luật về biển của Trung Quốc đều không đề cập tới yêu sách “đường lưỡi bò”;
- Thực tiễn các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực đều phủ nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc;
- “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của năm nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.
- Ông Dị Tiên Lương khẳng định Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền ở “Nam Sa” (Trường Sa). Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử chứng minh rằng Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17 khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ 19, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như cử các đội Hoàng Sa ra quần đảo đo đạc, thể hiện trên bản đồ, dựng bia, lập miếu, quản lý và tổ chức đánh bắt hải sản tại quần đảo Hoàng Sa. Các văn bản pháp lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam như Châu bản, Sắc chỉ hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam đã khẳng định rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20), Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục thực thi quyền quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; từ những năm 30 của Thế kỷ 20 Pháp quy thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào các tỉnh đất liền của Việt Nam và cho quân đồn trú ở hai quần đảo này; sau đó theo Hiệp định Geneva, Pháp đã chuyển giao hai quần đảo cho chính quyền Sài Gòn - Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý các đảo ở Trường Sa.
Như vậy, việc thực thi chủ quyền lãnh thổ của các Nhà nước Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được tiến hành một cách thực sự, hoà bình và liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, năm 1956 Trung Quốc đã đưa quân đội chiếm các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; và năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần Hiến Chương của Liên Hợp Quốc và đã bị nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng lên án.
- Ông Dị Tiên Lương nói rằng năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã gửi Công thư đến Thủ tướng Chu Ân Lai, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa). Ông có thể cho biết ý kiến của mình về việc này?
- Nội dung của Công thư ngày 14/9/1958 là hết sức rõ ràng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ ghi nhận, tán thành và tôn trọng Quyết định của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về hải phận 12 hải lý của đất nước Trung Quốc. Công thư không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó nằm phía Nam Vĩ tuyến 17 và theo Hiệp định Geneva thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam - Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.
Việc cho rằng bản Công thư ngày 14/9/1958 là bằng chứng Chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc lịch sử. Việt Nam từ trước tới nay chưa hề có bất cứ một tuyên bố nào từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 9 năm 1975, khi tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói: “Giữa hai nước có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này sẽ bàn bạc giải quyết”. Trong Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại nội dung này. Điều này cho thấy, theo quan điểm của phía Trung Quốc, giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc có tồn tại tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước, kể cả tại các vòng đàm phán về Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển vừa qua, hai bên đều nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam là nhà nước đầu tiên và duy nhất đã thực hiện quyền làm chủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, ổn định và liên tục. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.
- Ông có bình luận gì về việc ông Dị Tiên Lương nói rằng các hoạt động dầu khí của các nước ở “Nam Hải” (Biển Đông) mà không có sự đồng ý của Trung Quốc là hoạt động phi pháp?
- Là quốc gia đã ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam đã và đang thực thi đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của mình theo các quy định của Công ước. Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thi hành pháp luật trên các vùng biển và hải đảo; tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong đó có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Các hoạt động dầu khí đều được tiến hành trong vùng đặc quyền và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào.
Chính Trung Quốc cũng là quốc gia đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 nên cần phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước này.
Phát biểu nói trên của ông Dị Tiên Lương là hoàn toàn vô lý, xúc phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
VnExpress

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

KỸ SƯ VƯƠN BỊ OAN !

Thứ năm, 12/1/2012, 20:04 GMT+7

'Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật'

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.
> Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng/ Góc nhìn đối lập về chủ đầm tôm bị cưỡng chế

- Dưới góc độ pháp lý, ông nhìn nhận thế nào về quyết định giao đất và thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn?
- Việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng pháp luật. Cụ thể, thời gian hạn chế giao đất 14 năm là không đúng, mà phải là 20 năm và sau 20 năm vẫn tiếp tục được sử dụng nếu Nhà nước không có quyết định thu hồi đất. Huyện Tiên Lãng có những quyết định giao tới 20 ha, trong khi theo khung giao đất bãi bồi ven sông ven biển ở Quyết định 773 của Thủ tướng, diện tích tối đa là 10ha.
Việc ban hành Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng trái pháp luật. Khi giao bãi bồi ven sông, ven biển cho hộ gia đình cải tạo trở thành nơi nuôi trồng thủy sản thì công sức, mồ hôi của người dân đã đổ xuống trong quá trình lao động. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi hết thời hạn sử dụng đất (của gia đình ông Vươn sớm nhất là 15/10/2013), đương nhiên được kéo dài sang thời hạn tiếp theo trừ những trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất. Quốc hội sẽ xem xét quyết định vấn đề "hết thời hạn" này khi thông qua Luật đất đai mới trước năm 2013.
- Ông nghĩ sao trước khẳng định của Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng rằng huyện không làm sai khi cưỡng chế thu hồi đất của dân?
- Nhiều cán bộ quản lý ở nhiều địa phương hay nói câu buông sõng: "Nhà nước thì thu hồi đất nào cũng được". Đó là cái nhầm lẫn rất cơ bản. Nhà nước cũng phải thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Chiểu theo pháp luật hiện hành về thời hạn sử dụng đất, chắc chắn là họ sai. Chiểu theo quy định về giải quyết thế nào khi đất nuôi trồng thủy sản hết thời hạn, chắc chắn họ cũng sai.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Tiến Dũng.
- Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đất đai, theo ông việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là do thiếu kiến thức pháp luật hay nguyên nhân nào khác?
Người dân đang sử dụng đất có hiệu quả thì không có lý do gì để thu hồi đất của người ta. Điều này thể hiện có cái gì lẩn khuất phía sau các quyết định thu hồi đất. UBND huyện Tiên Lãng cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân trong khi hai bên đã thỏa thuận giải quyết thỏa đáng. Ở đây, nguy cơ là chính quyền có thể thấy vùng đất đó sau khi được cải tạo là quá màu mỡ và muốn chuyển đổi cho đối tượng khác.
Còn nếu đất được dùng vào dự án khác thì ngay trong quyết định thu hồi cũng phải nói đến chuyện bồi thường. Nhưng quyết định của UBND huyện Tiên Lãng không hề nói đến chuyện bồi thường mà thậm chí còn bắt người dân phải bàn giao toàn bộ mặt bằng kèm theo những công sức của dân cải tạo trước đây. Điều này không chỉ sai luật mà còn trái cả đạo lý.
- Để xảy ra vụ việc ngày 5/1, ngoài việc xử lý nghiêm những người nổ súng chống đối, theo ông, cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương thế nào?
- Hiện nay ít nhất 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai. Người nông dân nghĩ rất giản đơn, nhiều khi không nghĩ hết nhẽ, hành động bột phát, thiếu kiềm chế. Do đó, chúng ta phải trân trọng công sức của người nông dân, không phải vì thấy cái lợi của việc thu hồi mà lấy đi công sức của họ, đẩy họ vào bước đường cùng để trở thành tội phạm, phải chống trả bằng việc vi phạm pháp luật hình sự. Từ vụ việc này có rất nhiều điều để nói và UBND TP Hải Phòng cũng không thể đứng ngoài cuộc
Lực lưỡng cưỡng chế gồm cả trăm cảnh sát được trang bị vũ khí ập vào khu vực cưỡng chế.
5/1 trở thành ngày tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế tại Hải Phòng với 6 cảnh sát, bộ đội bị bắn trọng thương.
- Trong vụ Tiên Lãng, bài học lớn nhất là cơ quan quản lý, nhất là ở địa phương cần phải nghĩ rằng mình là đại diện cho quyền lợi chính đáng của người dân. Hãy đứng về cách nghĩ của dân chứ không phải cách nghĩ của một người làm lãnh đạo.
Trong tất cả trường hợp thực thi pháp luật, lãnh đạo phải hiểu rõ ngọn ngành về pháp luật, đừng hiểu sai cũng như cố tình hiểu sai. Áp dụng pháp luật không chỉ là lý mà còn là tình. Người ta đã bỏ công sức ra thì phải xem xét công lao của họ với mảnh đất đó, cần đánh giá cho đúng. Việc người ta làm từng ấy năm rồi mình thu lại, cứ cho là việc thu hồi có lý do chính đáng thì cũng phải cân nhắc có nên không? Đấy là câu chuyện mà chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tính đến.
Hiện nay, nhiều địa phương khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thường hay sử dụng lực lượng vũ trang. Điều này theo tôi không nên làm. Với dân, đừng nghĩ tới việc sử dụng sức mạnh sẽ hiệu quả hơn. Người dân đang muốn chủ động trên cơ sở lẽ phải của sự đồng thuận.
- Nếu đặt mình ở vị trí lãnh đạo huyện Tiên Lãng, ông sẽ xử lý thế nào với vấn đề đất đai của gia đình ông Vươn?
- Nhiều địa phương đã đánh đồng giữa việc giao đất khai hoang và đất đã được cải tạo. Thế nên có tình trạng người dân đổ mồ hôi ra để khai hoang nhưng sau đó chính quyền lại coi đấy là đất ruộng bình thường, làm thiệt hại cho dân. Để động viên việc khai hoang, mở rộng diện tích, tôi cho rằng cần có chính sách đặc biệt hơn nữa để thừa nhận công sức của người dân, ít nhất chiếm 50% giá trị đất đai.
Vấn đề của ông Đoàn Văn Vươn theo tôi giải quyết đơn giản. Đất giao năm 1993 thì đến 2013 hết hạn, đất giao năm 1997 thì tới 2017 hết hạn. Còn về hạn mức diện tích, nếu đất giao vượt hạn mức quy định của Chính phủ, chốt diện tích 10ha của dân không phải nộp nghĩa vụ tài chính, và diện tích còn lại về nguyên tắc phải chuyển sang thuê đất. Trong tương lai, nếu Luật Đất đai bãi bỏ hạn điền thì lại cho diện tích đó trở lại như đất được Nhà nước giao.
Tiến Dũng thực hiện
- Theo ông, cần rút ra bài học gì trong công tác quản lý, thu hồi đất đai sau vụ việc ở Tiên Lãng?
- Trong vụ việc này, tòa yêu cầu hai bên thương thảo giải quyết, UBND huyện hứa sẽ tiếp tục giao đất nên người dân rút đơn. Các hộ dân thực hiện nhưng địa phương lại không giữ lời. Trong đơn gửi tòa, người dân nói ông Chủ tịch huyện khăng khăng không thực hiện cam kết.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

TIN TRÊN YAHOO VN!

10 điều phụ nữ mong muốn nhất ở chồng mình

Giống như các quý ông, phụ nữ cũng có những mong muốn về một người chồng tốt và hoàn hảo trong cuộc sống hôn nhân.
10 điều phụ nữ mong muốn nhất ở chồng mình

Dưới đây là 10 điều họ mong muốn nhất ở chồng mình:
1. Biết thể hiện tình cảm

Phụ nữ đều mong muốn được chồng mình yêu thương và thể hiện tình cảm yêu thương vợ bằng hành động. Các ông chồng nên biết rằng, đôi khi chỉ những hành động hết sức đơn giản như một cái ôm bất ngờ hoặc nắm tay vợ khi hai vợ chồng cùng nhau đi dạo cũng có thể khiến cho vợ của mình cảm thấy hạnh phúc.

2. Biết cảm thông và rộng lượng

Mặc dù phụ nữ được xem là cẩn thận và khéo léo trong mọi việc, song đôi khi, họ cũng không thể tránh được mắc lỗi khi làm một việc gì đó hoặc gặp khó khăn trước những vấn đề của cuộc sống. Khi đó, phụ nữ luôn mong muốn có một người chồng sẵn sàng hiểu và rộng lượng với những sai lầm của họ, bởi không có ai hoàn hảo 100%.

Các ông chồng cần hiểu rằng, không một mối quan hệ nào có thể duy trì lâu được lâu nếu một người thường xuyên “xét nét” những sai lầm của người kia và không bao giờ có sự tha thứ.

3. Biết quan tâm

Hầu hết phụ nữ đều muốn được chồng mình quan tâm đến nhiều khía cạnh của họ trong cuộc sống, thay vì chỉ lặp đi lặp lại “điệp khúc” thời tiết, con cái, công việc… sau một ngày làm việc căng thẳng. Nếu điều đó xảy ra, có thể hôn nhân của bạn sẽ gặp rắc rối thực sự.

4. Sẵn sàng dành thời gian cho vợ con
Phụ nữ luôn mong muốn có một người chồng luôn dành sự ưu tiên lớn cho gia đình. Đối với nhiều người vợ, hạnh phúc đơn giản chỉ là những bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên hoặc những buổi cuối tuần gia đình cùng nhau sum họp.

5. Cởi mở trong gia đình

Thói quen phản ứng tiêu cực với vợ và con bạn giống như một người “bề trên” sẽ không đem lại hiệu quả mà còn đẩy vợ con bạn ra xa bạn hơn. Bởi vậy, hãy coi vợ con mình như những người bạn để có thể cởi mở và trở thành một người chồng và người cha “thân thiện” trong gia đình.

6. Biết lắng nghe

Phụ nữ sẽ thực sự cảm thấy bị tổn thương khi chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc với bạn đời, nhưng sau đó họ nhận ra rằng chồng mình không thực sự quan tâm lắng nghe những điều đó. Họ luôn mong muốn chồng mình biết lắng nghe vợ không chỉ bằng đôi tai mà còn biết lắng nghe bằng cả trái tim. Để làm được điều này, người chồng phải có một sự quan tâm và tình yêu thực sự với vợ mình.

7. Biết trân trọng vợ mình

Phụ nữ luôn mong muốn được chồng trân trọng đối với mỗi việc mà họ làm cho chồng và gia đình thay vì chỉ luôn nghĩ rằng, đó là những việc và nghĩa vụ mà vợ phải làm.

8. Có trách nhiệm và biết chia sẻ

Việc nhà và chăm sóc con cái không chỉ là trách nhiệm của riêng người vợ. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, phụ nữ rất mong muốn chồng mình sẽ cùng chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái với vợ.

9. Dành cho vợ thời gian thư giãn

Đôi khi, phụ nữ muốn có một chút thời gian riêng chỉ để thư giãn và làm các việc yêu thích mà không phải một mình tất tả lo toan việc nhà, việc cơ quan rồi đến con cái và cả chồng mình. Điều này sẽ giúp họ trở nên tươi trẻ và yêu đời hơn rất nhiều trong cuộc sống gia đình.

Bởi vậy, các ông chồng nên tìm cách “gánh” bớt việc nhà để vợ có thời gian chăm sóc cho bản thân.

10. Biết tự chăm sóc bản thân

Nhiều quý ông thường dồn hết trách nhiệm chăm sóc gia đình cho vợ. Thậm chí họ còn không biết cách tự chăm sóc bản thân và coi thường sức khỏe của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, vợ bạn không phải là một “bảo mẫu” và bạn cần phải tự quan tâm đến sức khỏe của mình để có thể chăm lo cho con cái của mình nữa.

TRUYỆN NGẮN LÀ BÀI HỌC MÀ THÔI !

ĐẦU XUÂN “ ĐÁO TỤNG ĐÌNH “ VỚI NHÀ VĂN XUÂN MAI VÌ MỘT CÁI TRUYỆN NGẮN…



Với tư cách là nhà văn, bạn viết và là người bảo vệ quyền hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai tôi lưu ý Tòa ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của phiên tòa đối với công việc viết văn của các nhà văn. Vì viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm; nếu tòa không công tâm sẽ làm thui chột các cảm hứng sáng tạo của các nhà văn, một công việc được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Nhà văn Xuân Mai mới đụng tới nhân vật có tên là một ông nông dân mà đã phải ra tòa hầu kiện, vậy nếu đụng tới ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Bộ trưởng, ông Thủ tướng thì sao ? Có khi phải vào tù mà còn phải bán nhà mà bồi thường danh dự cho các vị ấy vì danh dự của các vị ấy to lắm !

Phạm Viết Đào.
Nhà văn Xuân Mai ( bên trái ) và bào chữa viên Phạm Viết Đào.
Ngày 10/1/2012, tại thành phố Vĩnh Yên, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện dân sự: “Tranh chấp liên quan tới hoạt động báo chí”; nguyên đơn là ông Lê Đấu, bị đơn là Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc; nhà văn Xuân Mai, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, năm nay 66 tuổi, là người có quyền lợi và vụ việc liên quan vì ông là tác giả của truyện ngắn Một đám cưới in trên báo Vĩnh Phúc số báo ngày 5/3/2011, “ thủ phạm “ gây nên vụ kiện…
Ngày 5/3/2011, báo Vĩnh Phúc cuối tuần trong mục Tác giả-tác phẩm đã đăng truyện ngắn Một đám cưới của nhà văn Xuân Mai; truyện ngắn đã mô tả những hủ tục mới đang hình thành tại nông thôn trong chuyện cưới xin…Sau khi truyện ngắn được in ra, gia đình ông Lê Đấu cho rằng: Nhà văn Xuân Mai đã viết để ám chí gia đình ông, xúc phạm, bôi nhọ gia đình ông vì truyện ngắn in ra sau khi gia đình ông Lê Đấu tổ chức đám cưới cho con; gia đình ông Lê Đấu và Xuân Mai là người cùng xã…Câu chuyện trong đám cưới có nhiều tình tiết gần giống với chuyện trong gia đình ông Lê Đấu; có 4 nhân vật trong truyện Một đám cưới trùng tên với người nhà của gia đình ông Lê Đấu…
Căn cứ vào các tình tiết kể trên, ông Lê Đấu đã viết đơn khởi kiện ra tòa Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai là người liên đới chịu trách nhiệm, người có nghĩa vụ liên quan…Trong đơn và trước Tòa, ông Lê Đấu yêu cầu Tòa xử để buộc báo Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc phải đăng cải chính, xin lỗi ông và các thành viên gia đình ông vì đã đăng một truyện ngắn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông và nhiều thành viên trong gia đình; ông Lê Đấu yêu cầu nhà văn Xuân Mai phải xin lỗi các thành viên gia đình ông bằng văn bản và bồi thường tổn thất về mặt tinh thần số tiền bằng 10 thánh lương tối thiểu. 8,3 triệu đồng…
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, ông Lê Đấu đã mời luật sư; về phía nhà văn Xuân Mai đã chính thức có Đơn gửi Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đề nghị có biện pháp bảo vệ quyền tự do sáng tác của hội viên; Nhà văn Xuân Mai cho rằng: ông viết truyện ngắn Một đám cưới là để phê phán những hủ tục mới hình thành trong chuyện cưới xin tại nông thôn; truyện ngắn của ông không ám chỉ chuyện của gia đình ông Lê Đấu, vì thế nên ông không vi phạm Luật Báo chí, ông không xin lỗi gia đình ông Lê Đấu, không bồi thường…
Để bảo vệ quyền tự do sáng tác của hội viên, Căn cứ vào Điều 7 của Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam; căn cứ vào quy định tại Điều 56 của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã có công văn số 262/CV-HNV gửi Chánh tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, cử nhà văn Phạm Viết Đào nguyên là Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản-Bộ Văn hóa-Thông tin; hiện là Trưởng phòng Thanh tra Hành chính và Chống tham nhũng- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham gia phiên tòa với tư cách là bào chữa viên nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai; Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã chấp nhận tư cách bào chữa viên nhân dân và đã mời nhà văn Phạm Viết Đào tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai…
Phiên tòa được mở vào lúc 11 giờ, kế sau 2 vụ án hình sự, sau khi nghỉ trưa, phiên tòa tiếp túc cho cho tới 16 h 30 chiều 10/1/2011… Phiên tòa đã tiến hành nghiêm túc, dân chủ và khách quan; tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng của một vụ kiện dân sự…
Tại phiên tòa sau khi Luật sư bên nguyên đưa ra các bằng chứng mà bên nguyên khởi kiện và các yêu cầu của bên nguyên đối với Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai; nhà văn Phạm Viết Đào cũng đã được mời phát biểu lên quan điểm của mình để bảo vệ truyện ngắn Một đám cưới: chứng minh đây là một tác phẩm văn học thuộc thể truyện ngắn do nhà văn Xuân Mai hư cấu, các tình tiết, chi tiết không hoàn toán giống, không có ý ám chỉ chuyện gia đình ông Lê Đấu, do đó không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí: Xúc phạm đời tư của công dân…
Phó Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc đang trả lời trước Tòa...
Phiên tòa đã diễn ra theo các trình tự, thủ tục pháp lý quan trọng sau đây: Luật sư bên nguyên và bên bị và các đương sự đã tiến hành hỏi, chất vấn, trang luận và phản bác lại các quan điểm, chứng cứ, lập luận mà phía bên kia đưa ra một cách công khai trước tòa để tòa xem xét…Nhìn chung cả 2 bên đều giữ được thái độ bình tĩnh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng tòa, tôn trọng lẫn nhau…
Tại phiên tòa với tư cách là bão chữa viên, câu hỏi đầu tiên mà tôi đưa ra: Đề nghị Tòa và ông Lê Đấu cho biết ông gửi đơn ra tòa với tư cách cá nhân ông hay ông đại diện cho cả gia đình ? Sau khi Tòa cho biết: Ông Lê Đấu gửi đơn với tư cách cá nhân, là người tham gia bào chữa tôi chấp nhận sự khởi kiện của ông Lê Đấu là đúng trình tự thủ tục pháp lý; bởi tòa không thể xử một vụ kiện do một tập thể công dân đứng đơn…Trong Luật khiếu nại Tố cáo đã quy định không xem xét và giải quyết các đơn tập thể đứng tên…
Từ điểm xuất pháp quạn trong này, tôi đã lấy đó làm căn cứ pháp lý để chứng minh rằng: Ông Lê Đấu mặc dù là người đứng đơn, khởi kiện TBT báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai, nhưng ông Lê Đấu lại không có đủ tư cách pháp nhân; vì trong truyện ngắn Một đám cưới không có chi tiết nào quan trọng, có giá trị pháp lý liên quan tới đời tư của cá nhân ông Lê Đấu; Tóm lại truyện của nhà văn Xuân Mai không liên quan tới ông Lê Đấu do đó ông Lê Đấu kiện và đòi nhà văn Xuân Mai bồi thường là không có cơ sở pháp lý. 
Trong truyện của nhà văn Xuân Mai, nhân vật tổ chức đám cưới cho con có tên là Thắng chứ không mang tên Lê Đấu; trong truyện có nhắc tới 4 cái tên khác trong đó có một tên trùng với tên ông Đấu, và 3 tên nữa nhưng đều không có họ, không có địa chỉ, không có ngày tháng năm sinh…4 tên nhân vật này đều chỉ xuất hiện như một loạt tên nhân vật khác, riêng nhân vật Đấu trong truyện lại không có hành vị nào được mô tả để khả dĩ ông Lê Đấu chứng minh được là truyện ám chỉ vào ông.
Để bác bỏ lập luận của luật sư phía bên nguyên và ông Lê Đấu, tôi đã đưa ra các căn cứ pháp lý sau đây:
1. Truyện ngắn Một đám cưới của nhà văn Xuân Mai đã hưởng ứng, triển khai theo các quy định pháp luật sau đây:
a/Mục 4, Điều 6 Luật Báo chí 1999 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: đấu tranh phòng,chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;
b/ Điều 1 và 2 của Quy chế về việc cưới, việc tang và Lễ hội ban hành theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TT ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ;
c/ Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về việc tổ chức đám tang, đám cưới…


Nhà văn Xuân mai đang trả lời trước Tòa...
2/ Nếu kiện nhà văn Xuân Mai đã sử dụng văn học để xúc phạm đến đời tư của những người trong gia đình ông Lê Đấu, phía bên nguyên phải chứng minh được các nhân vật đó có các căn cứ sau đây trùng với người thân của ông Lê Đấu:
-Có họ và tên trùng
-Có ngày sinh trùng
-Có quê quán trùng
-Có bố mẹ trùng tên…
Sở dĩ tôi yêu cầu Luật sư bên nguyên phải chứng minh được điều đó thì mới có cơ sở để pháp lý, buộc tòa bảo vệ quyền và nghĩa vụ của một nhân thân; Trong truyện ngắn của nhà văn Xuân Mai chỉ nhắc tên, ngoài ra không có các yếu tố còn lại vì đó là các nhân vật văn học; còn có một số hành vi, sự việc trong truyện có vẻ giống với chuyện nhà ông Lê Đấu thì đó không phái là cơ sở pháp lý để buộc lỗi cho nhà văn Xuân Mai.
Sở dĩ tôi nêu ra yêu cầu và đòi hỏi này vì căn cứ vào Ðiều 24 của Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Quyền nhân thân  đã quy định như sau:”Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Tại Ðiều 26 cụ thể thêm tại Mục 2:” Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận...”
Ngoài ra tôi còn đưa thêm Nghị định số: 05/1999/NĐ-CP do Thủ tướng kỳ ngày 03 tháng 02 năm 1999 quy định tại Điều 1, điều quy định về nội dung ghi bắt buộc trên Chứng minh nhân  dân:”Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thựchiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam…”
Tại Điều 2 của Nghi định quy định cụ thể chi tiết một Chứng minh thư nhân dân: “Bên trái: có 2 ô, ô trên vân tay ngón trỏ trái, ô dưới vân tay ngón trỏ phải; Bên phải từ trên xuống: Họ tên bố; Họ tên mẹ; Đặc điểm nhận dạng…”
Tôi lập luận rằng: cần phải chấp hành nghiêm túc những quy định pháp lý này để tránh nhầm nhân thân của người này với nhân thân của người kia như Luật Dân sự đã nêu; không làm rành rẽ điều này thì nếu Tòa Vĩnh Yên xử cho ông Đấu ở Vĩnh Phúc thắng kiện sẽ dẫn tới có một ông Đấu, ông Thắng ở Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh khác đến yêu cầu Tòa áp dụng cho cả họ nữa vì: họ cũng trùng tên và cũng đã tổ chức đám cưới tựa tựa như trong truyện của nhà văn Xuân Mai…
Cuối cùng với tư cách là nhà văn, bạn viết và là người bảo vệ quyền hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai tôi lưu ý Tòa ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của phiên tòa đối với công việc viết văn của các nhà văn. Vì viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm; nếu tòa không công tâm sẽ làm thui chột các cảm hứng sáng tạo của các nhà văn, một công việc được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Nhà văn Xuân Mai mới đụng tới nhân vật có tên là một ông nông dân mà đã phải ra tòa hầu kiện, vậy nếu đụng tới ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Bộ trưởng, ông Thủ tướng thì sao ? Có khi phải vào tù mà còn phải bán nhà mà bồi thường danh dự cho các vị ấy vì danh dự của các vị ấy to lắm !
Rất vui là phiên tòa đã khép lại và Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hạnh đại diện Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của ông Lê Đấu và tuyên: Truyện ngắn Một đám cưới của Nhà văn Xuân Mai không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí…
P.V.Đ

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

“Nối vòng tay lớn - Vì người nghèo" 2011 thu về 6.606 tỷ đồng
(Dân trí) - Tiếp nối những thành quả đạt được của các năm trước, tối 31/12, chương trình “Nối vòng tay lớn – Vì người nghèo” 2011 đã nhận được 6.606 tỷ đồng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Chương trình "Nối vòng tay lớn - Vì người nghèo" được tổ chức thường niên như ngày Tết của người nghèo là chương trình nghệ thuật giàu ý nghĩa và đặc sắc, đan xen với việc công bố kết quả Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trong năm vừa qua cũng như chương trình đấu giá các sản phẩm có giá trị lớn về vật chất và tinh thần để gây quỹ ủng hộ người nghèo.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đón nhận ủng hộ những tấm lòng nhân ái vì người nghèo (ảnh Vtv.vn)
Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” năm 2011 đã đạt hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ vì người nghèo đạt 1.152 tỷ đồng, thực hiện các chương trình an sinh xã hội là 5.348 tỷ đồng. Bằng nguồn quỹ này, các địa phương đã xây dựng, sửa chữa được trên 73.600 căn nhà cho hộ nghèo, chăm lo cho hàng triệu người nghèo có công ăn việc làm và được giúp đỡ tư liệu sản xuất, hỗ trợ con em gia đình hộ nghèo học tập, khám chữa bệnh... Các chương trình an sinh xã hội đã xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi: Cầu đường, lớp học, trạm xá được xây dựng...
Tính từ năm 2009-2011, MTTQ Việt Nam đã vận động các nguồn lực được 13.275 tỷ đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội. Từ đó đã xây dựng và sửa chữa 1.125.644 căn nhà cho người nghèo và hàng triệu người nghèo được giúp đỡ thoát nghèo, hàng ngàn công trình phúc lợi được xây dựng để nâng cao đời sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình “Nối vòng tay lớn _ Vì người nghèo” 2011 tiếp tục đạt được kết quả khích lệ khi các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ với tổng số tiền 6.606 tỷ đồng, đáng chú ý chiếc cúp Hồn Việt do Công ty gốm sứ Minh Long chế tác trong chương trình đấu giá được đại diện sân gôn Long Thành đấu giá để ủng hộ người nghèo 6 tỷ đồng. Số tiền thu được từ chương trình sẽ tiếp tục để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi trong năm 2012.
 
Thế Nam

Đấu giá sim MobiFone vì người nghèo vượt 1 tỷ đồng

Dân Việt - Kết quả rất bất ngờ khi số tiền đấu giá dành cho sim 0909 09 9999 đã vượt ngưỡng một tỷ đồng và chung cuộc với con số 1 tỷ 158 triệu đồng do hai cha con anh Phan Bá Lợi – một doanh nhân tại Bình Dương đề nghị.

Tiếp tục chương trình đấu giá sim đặc biệt ủng hộ cho người nghèo tại chương trình Nối vòng tay lớn, MobiFone tổ chức buổi đấu giá sim lần 2 vào ngày 26.12 với giá khởi điểm là: 510 triệu dành sim 0909 09 9999 và 240 triệu dành cho sim 0909 668888.
Buổi đấu giá diễn ra dưới sự tham dự sôi nổi của các doanh nghiệp, cá nhân, những nhà hảo tâm và đại diện các cơ quan báo chí.

Ông Phan Bá Lợi cùng con gái với số sim nghĩa tình trị giá 1 tỷ 158 triệu đồng từ MobiFone

Phát biểu tại buổi đấu giá, ông Đặng Hồng Kỳ - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin di động khu vực II cho biết: “Tôi tin đây là những con số của tấm lòng, của sự sẻ chia và đùm bọc chứ không chỉ đơn thuần là số điện thoại đặc biệt đẹp”.
Kết quả rất bất ngờ khi số tiền đấu giá dành cho sim 0909 09 9999 đã vượt ngưỡng một tỷ đồng và chung cuộc với con số 1 tỷ 158 triệu đồng do hai cha con anh Phan Bá Lợi đề nghị. Khi được hỏi về nghĩa cử này, bé Mỹ Duyên cho biết “Con rất vui vì đã được cùng ba đi làm từ thiện, con mong nhiều bạn nhỏ nhà nghèo được tới trường giống con”.
Với số sim 0909 66 8888, anh Thế Linh – người trúng đấu giá lần trước đã tự vượt qua kỷ lục của mình và đề nghị được ủng hộ mức 268 triệu đồng.
Từ năm 2005 đến nay, MobiFone đã liên tục tổ chức nhiều đợt bán đấu giá sim số đẹp để làm từ thiện tặng các tổ chức từ thiện của TP.HCM như: Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo; Bệnh viện ung bướu; Bệnh viện Trưng Vương; Hội bệnh nhân mù; Hội chữ thập đỏ; Tổ chức từ thiện Hope for Children và Operation Smile… với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là một nghĩa cử đẹp của MobiFone và được đông đảo mọi người chung tay ủng hộ.