Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

TRUYỆN NGẮN LÀ BÀI HỌC MÀ THÔI !

ĐẦU XUÂN “ ĐÁO TỤNG ĐÌNH “ VỚI NHÀ VĂN XUÂN MAI VÌ MỘT CÁI TRUYỆN NGẮN…



Với tư cách là nhà văn, bạn viết và là người bảo vệ quyền hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai tôi lưu ý Tòa ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của phiên tòa đối với công việc viết văn của các nhà văn. Vì viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm; nếu tòa không công tâm sẽ làm thui chột các cảm hứng sáng tạo của các nhà văn, một công việc được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Nhà văn Xuân Mai mới đụng tới nhân vật có tên là một ông nông dân mà đã phải ra tòa hầu kiện, vậy nếu đụng tới ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Bộ trưởng, ông Thủ tướng thì sao ? Có khi phải vào tù mà còn phải bán nhà mà bồi thường danh dự cho các vị ấy vì danh dự của các vị ấy to lắm !

Phạm Viết Đào.
Nhà văn Xuân Mai ( bên trái ) và bào chữa viên Phạm Viết Đào.
Ngày 10/1/2012, tại thành phố Vĩnh Yên, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện dân sự: “Tranh chấp liên quan tới hoạt động báo chí”; nguyên đơn là ông Lê Đấu, bị đơn là Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc; nhà văn Xuân Mai, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, năm nay 66 tuổi, là người có quyền lợi và vụ việc liên quan vì ông là tác giả của truyện ngắn Một đám cưới in trên báo Vĩnh Phúc số báo ngày 5/3/2011, “ thủ phạm “ gây nên vụ kiện…
Ngày 5/3/2011, báo Vĩnh Phúc cuối tuần trong mục Tác giả-tác phẩm đã đăng truyện ngắn Một đám cưới của nhà văn Xuân Mai; truyện ngắn đã mô tả những hủ tục mới đang hình thành tại nông thôn trong chuyện cưới xin…Sau khi truyện ngắn được in ra, gia đình ông Lê Đấu cho rằng: Nhà văn Xuân Mai đã viết để ám chí gia đình ông, xúc phạm, bôi nhọ gia đình ông vì truyện ngắn in ra sau khi gia đình ông Lê Đấu tổ chức đám cưới cho con; gia đình ông Lê Đấu và Xuân Mai là người cùng xã…Câu chuyện trong đám cưới có nhiều tình tiết gần giống với chuyện trong gia đình ông Lê Đấu; có 4 nhân vật trong truyện Một đám cưới trùng tên với người nhà của gia đình ông Lê Đấu…
Căn cứ vào các tình tiết kể trên, ông Lê Đấu đã viết đơn khởi kiện ra tòa Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai là người liên đới chịu trách nhiệm, người có nghĩa vụ liên quan…Trong đơn và trước Tòa, ông Lê Đấu yêu cầu Tòa xử để buộc báo Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc phải đăng cải chính, xin lỗi ông và các thành viên gia đình ông vì đã đăng một truyện ngắn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông và nhiều thành viên trong gia đình; ông Lê Đấu yêu cầu nhà văn Xuân Mai phải xin lỗi các thành viên gia đình ông bằng văn bản và bồi thường tổn thất về mặt tinh thần số tiền bằng 10 thánh lương tối thiểu. 8,3 triệu đồng…
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, ông Lê Đấu đã mời luật sư; về phía nhà văn Xuân Mai đã chính thức có Đơn gửi Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đề nghị có biện pháp bảo vệ quyền tự do sáng tác của hội viên; Nhà văn Xuân Mai cho rằng: ông viết truyện ngắn Một đám cưới là để phê phán những hủ tục mới hình thành trong chuyện cưới xin tại nông thôn; truyện ngắn của ông không ám chỉ chuyện của gia đình ông Lê Đấu, vì thế nên ông không vi phạm Luật Báo chí, ông không xin lỗi gia đình ông Lê Đấu, không bồi thường…
Để bảo vệ quyền tự do sáng tác của hội viên, Căn cứ vào Điều 7 của Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam; căn cứ vào quy định tại Điều 56 của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã có công văn số 262/CV-HNV gửi Chánh tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, cử nhà văn Phạm Viết Đào nguyên là Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản-Bộ Văn hóa-Thông tin; hiện là Trưởng phòng Thanh tra Hành chính và Chống tham nhũng- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham gia phiên tòa với tư cách là bào chữa viên nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai; Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã chấp nhận tư cách bào chữa viên nhân dân và đã mời nhà văn Phạm Viết Đào tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai…
Phiên tòa được mở vào lúc 11 giờ, kế sau 2 vụ án hình sự, sau khi nghỉ trưa, phiên tòa tiếp túc cho cho tới 16 h 30 chiều 10/1/2011… Phiên tòa đã tiến hành nghiêm túc, dân chủ và khách quan; tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng của một vụ kiện dân sự…
Tại phiên tòa sau khi Luật sư bên nguyên đưa ra các bằng chứng mà bên nguyên khởi kiện và các yêu cầu của bên nguyên đối với Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai; nhà văn Phạm Viết Đào cũng đã được mời phát biểu lên quan điểm của mình để bảo vệ truyện ngắn Một đám cưới: chứng minh đây là một tác phẩm văn học thuộc thể truyện ngắn do nhà văn Xuân Mai hư cấu, các tình tiết, chi tiết không hoàn toán giống, không có ý ám chỉ chuyện gia đình ông Lê Đấu, do đó không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí: Xúc phạm đời tư của công dân…
Phó Tổng Biên tập báo Vĩnh Phúc đang trả lời trước Tòa...
Phiên tòa đã diễn ra theo các trình tự, thủ tục pháp lý quan trọng sau đây: Luật sư bên nguyên và bên bị và các đương sự đã tiến hành hỏi, chất vấn, trang luận và phản bác lại các quan điểm, chứng cứ, lập luận mà phía bên kia đưa ra một cách công khai trước tòa để tòa xem xét…Nhìn chung cả 2 bên đều giữ được thái độ bình tĩnh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng tòa, tôn trọng lẫn nhau…
Tại phiên tòa với tư cách là bão chữa viên, câu hỏi đầu tiên mà tôi đưa ra: Đề nghị Tòa và ông Lê Đấu cho biết ông gửi đơn ra tòa với tư cách cá nhân ông hay ông đại diện cho cả gia đình ? Sau khi Tòa cho biết: Ông Lê Đấu gửi đơn với tư cách cá nhân, là người tham gia bào chữa tôi chấp nhận sự khởi kiện của ông Lê Đấu là đúng trình tự thủ tục pháp lý; bởi tòa không thể xử một vụ kiện do một tập thể công dân đứng đơn…Trong Luật khiếu nại Tố cáo đã quy định không xem xét và giải quyết các đơn tập thể đứng tên…
Từ điểm xuất pháp quạn trong này, tôi đã lấy đó làm căn cứ pháp lý để chứng minh rằng: Ông Lê Đấu mặc dù là người đứng đơn, khởi kiện TBT báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai, nhưng ông Lê Đấu lại không có đủ tư cách pháp nhân; vì trong truyện ngắn Một đám cưới không có chi tiết nào quan trọng, có giá trị pháp lý liên quan tới đời tư của cá nhân ông Lê Đấu; Tóm lại truyện của nhà văn Xuân Mai không liên quan tới ông Lê Đấu do đó ông Lê Đấu kiện và đòi nhà văn Xuân Mai bồi thường là không có cơ sở pháp lý. 
Trong truyện của nhà văn Xuân Mai, nhân vật tổ chức đám cưới cho con có tên là Thắng chứ không mang tên Lê Đấu; trong truyện có nhắc tới 4 cái tên khác trong đó có một tên trùng với tên ông Đấu, và 3 tên nữa nhưng đều không có họ, không có địa chỉ, không có ngày tháng năm sinh…4 tên nhân vật này đều chỉ xuất hiện như một loạt tên nhân vật khác, riêng nhân vật Đấu trong truyện lại không có hành vị nào được mô tả để khả dĩ ông Lê Đấu chứng minh được là truyện ám chỉ vào ông.
Để bác bỏ lập luận của luật sư phía bên nguyên và ông Lê Đấu, tôi đã đưa ra các căn cứ pháp lý sau đây:
1. Truyện ngắn Một đám cưới của nhà văn Xuân Mai đã hưởng ứng, triển khai theo các quy định pháp luật sau đây:
a/Mục 4, Điều 6 Luật Báo chí 1999 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: đấu tranh phòng,chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;
b/ Điều 1 và 2 của Quy chế về việc cưới, việc tang và Lễ hội ban hành theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TT ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ;
c/ Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về việc tổ chức đám tang, đám cưới…


Nhà văn Xuân mai đang trả lời trước Tòa...
2/ Nếu kiện nhà văn Xuân Mai đã sử dụng văn học để xúc phạm đến đời tư của những người trong gia đình ông Lê Đấu, phía bên nguyên phải chứng minh được các nhân vật đó có các căn cứ sau đây trùng với người thân của ông Lê Đấu:
-Có họ và tên trùng
-Có ngày sinh trùng
-Có quê quán trùng
-Có bố mẹ trùng tên…
Sở dĩ tôi yêu cầu Luật sư bên nguyên phải chứng minh được điều đó thì mới có cơ sở để pháp lý, buộc tòa bảo vệ quyền và nghĩa vụ của một nhân thân; Trong truyện ngắn của nhà văn Xuân Mai chỉ nhắc tên, ngoài ra không có các yếu tố còn lại vì đó là các nhân vật văn học; còn có một số hành vi, sự việc trong truyện có vẻ giống với chuyện nhà ông Lê Đấu thì đó không phái là cơ sở pháp lý để buộc lỗi cho nhà văn Xuân Mai.
Sở dĩ tôi nêu ra yêu cầu và đòi hỏi này vì căn cứ vào Ðiều 24 của Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Quyền nhân thân  đã quy định như sau:”Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Tại Ðiều 26 cụ thể thêm tại Mục 2:” Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận...”
Ngoài ra tôi còn đưa thêm Nghị định số: 05/1999/NĐ-CP do Thủ tướng kỳ ngày 03 tháng 02 năm 1999 quy định tại Điều 1, điều quy định về nội dung ghi bắt buộc trên Chứng minh nhân  dân:”Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thựchiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam…”
Tại Điều 2 của Nghi định quy định cụ thể chi tiết một Chứng minh thư nhân dân: “Bên trái: có 2 ô, ô trên vân tay ngón trỏ trái, ô dưới vân tay ngón trỏ phải; Bên phải từ trên xuống: Họ tên bố; Họ tên mẹ; Đặc điểm nhận dạng…”
Tôi lập luận rằng: cần phải chấp hành nghiêm túc những quy định pháp lý này để tránh nhầm nhân thân của người này với nhân thân của người kia như Luật Dân sự đã nêu; không làm rành rẽ điều này thì nếu Tòa Vĩnh Yên xử cho ông Đấu ở Vĩnh Phúc thắng kiện sẽ dẫn tới có một ông Đấu, ông Thắng ở Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh khác đến yêu cầu Tòa áp dụng cho cả họ nữa vì: họ cũng trùng tên và cũng đã tổ chức đám cưới tựa tựa như trong truyện của nhà văn Xuân Mai…
Cuối cùng với tư cách là nhà văn, bạn viết và là người bảo vệ quyền hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai tôi lưu ý Tòa ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của phiên tòa đối với công việc viết văn của các nhà văn. Vì viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm; nếu tòa không công tâm sẽ làm thui chột các cảm hứng sáng tạo của các nhà văn, một công việc được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Nhà văn Xuân Mai mới đụng tới nhân vật có tên là một ông nông dân mà đã phải ra tòa hầu kiện, vậy nếu đụng tới ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Bộ trưởng, ông Thủ tướng thì sao ? Có khi phải vào tù mà còn phải bán nhà mà bồi thường danh dự cho các vị ấy vì danh dự của các vị ấy to lắm !
Rất vui là phiên tòa đã khép lại và Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hạnh đại diện Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của ông Lê Đấu và tuyên: Truyện ngắn Một đám cưới của Nhà văn Xuân Mai không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí…
P.V.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét